[Turtuk – nét đẹp của ngôi làng nằm giữa biên giới Ấn Độ – Pakistan]
Làng Turtuk, Ladakh …
(Hình ảnh được chụp bởi team Cheap tháng 5,2023)
Đó là năm 2010, Khi vị du khách đầu tiên đặt chân đến Turtuk, một ngôi làng nhỏ xíu nằm giữa những đỉnh núi phủ đầy tuyết của vùng Ladakh thuộc tây bắc xa xôi của Ấn Độ, ông đã được chào đón với những giỏ mơ chín, những chiếc khăn quàng lụa và một điệu múa dân gian.
Là vùng đất Pakistan tuyên bố chủ quyền sau khi người Anh chấm dứt quyền cai trị, hồi 1947, Turtuk đã được sáp nhập vào Ấn Độ từ năm 1971, trong cuộc chiến Ấn Độ – Pakistan. Đó cũng là lúc tỉnh Baltistan bị chia cắt giữa hai nước.
Là đường biên giới quân sự, nơi này vẫn đóng cửa đối với người ngoài và cả với những người Ấn sinh sống ở các khu vực khác, cho tới khi cư dân địa phương mở cửa do lo ngại về tình trạng cô lập kéo dài và bị cách trở với những nơi khác do địa hình núi đồi xa xôi.
Trong nhiều năm, Turtuk bị tách biệt không phải chỉ bởi chính quyền, mà còn cả bởi vị trí địa lý đặc thù của vùng này: nằm lọt trong rặng Karakoram, việc đi từ các ngôi làng lân cận tới chỗ này là một hành trình vất vả.
Tỉnh Baltistan có đông người Hồi giáo sinh sống – nhưng vùng gần nhất kế bên là Ladakh lại chủ yếu là người theo đạo Phật – đã từng là một cổng nối quan trọng tới Con đường Tơ lụa, tuyến đường buôn bán cổ xưa nối Ấn Độ với Trung Quốc, Ba Tư và La Mã.
Người dân Turtuk có gốc gác pha trộn, họ là hậu duệ của người Tây Tạng và người lai Ấn-Âu, và từng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hàng hóa, văn hóa và con người ở Baltistan với nhau.
Đoạn cuối của con đường cát sỏi chạy ôm theo Sông Shyok (nghĩa là Sông Chết trong tiếng Uyghur, được đặt tên từ thời Con đường Tơ lụa) kéo dài cho tới tận Turtuk.
Việc mở cửa Turtuk cho du khách rõ ràng là gây ảnh hưởng tới văn hóa địa phương. Nhưng là một ngôi làng Hồi giáo lọt giữa một vùng Phật giáo trong một quốc gia đa số theo Ấn giáo, thì đặc tính pha trộn lâu đời của Turtuk đã vượt qua bên ngoài biên giới của làng.
Nguồn: BBC Tiếng Anh.